Ứng dụng của probiotic trong điều trị bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer (AD) là dạng rối loạn thoái hóa thần kinh phổ biến nhất ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và xã hội. Nó được đặc trưng bởi sự suy giảm nhận thức và trí nhớ, đặc biệt ở người cao tuổi trên 60 tuổi. Theo dự đoán trên thế giới sẽ có hơn 131 triệu người sẽ mắc AD vào năm 2050, khiến nó trở thành một trong những thách thức lớn về sức khỏe toàn cầu trong tương lai [1].
TẢI FILE PDF TẠI ĐÂY: Ứng dụng của probiotic trong điều trị bệnh Alzheimer – PDF
Ngoài các nghiên cứu sử dụng thuốc tây y, can thiệp điều trị hỗ trợ bằng tế bào gốc. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra một hướng đi mới trong việc cải thiện bệnh AD thông qua chế phẩm vi sinh vật đường ruột. Probiotic là những vi sinh vật sống có lợi cho sức khỏe khi được cung cấp với số lượng đầy đủ. Chúng điều chỉnh mức độ pH trong cơ thể, giúp bảo vệ tính toàn vẹn của niêm mạc ruột, hoạt động như thuốc kháng sinh và tăng cường yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não [2]. Các yếu tố dinh dưỡng thần kinh này được tạo thành từ một loại protein trong não tạo điều kiện cho sự tồn tại và biệt hóa của các tế bào thần kinh. Do đó, nó đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển thần kinh. Tác dụng của men vi sinh đối với hệ thần kinh trung ương đạt được bằng cách thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, bằng cách tăng sự đa dạng của thành phần vi khuẩn tốt, do đó thúc đẩy các chức năng của hệ thần kinh trung ương. Probiotic đã được chứng minh là giúp khôi phục cân bằng nội môi của hệ vi sinh vật đường ruột và làm chậm sự tiến triển của AD, đặc biệt là phản ứng viêm và stress oxy hóa, do đó cải thiện tình trạng suy giảm nhận thức [3].
Personalized precision probiotics (tạm dịch: Chuẩn hóa men vi sinh cá nhân) là liệu pháp nghiên cứu và sử dụng Probiotics – Men vi sinh (hay còn được gọi là chế phẩm sinh học, chất trợ sinh) để điều trị bệnh hoặc cải thiện sức khỏe. Men vi sinh mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như cải thiện tiêu hóa, duy trì sức khỏe và chống lại bệnh tật. Men vi sinh chuẩn xác được cá nhân hóa nghĩa là không sử dụng một công thức chung cho tất cả. Mỗi độ tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe nhất định của mỗi người sẽ cần bổ sung men vi sinh khác nhau về số lượng, chủng loại, nhờ đó nâng cao hiệu quả của men vi sinh. Cơ thể của chúng ta có cơ quan hô hấp và cơ quan tiêu hóa tiếp xúc với môi trường bên ngoài liên tục, từ không khí, thực phẩm, nguồn nước… chính vì vậy mà hệ hô hấp và tiêu hóa dễ bị nhiễm độc, mất cân bằng, dẫn tới bệnh tật.
Chính vì vậy, có một sự thật không thể bàn cãi rằng: Khi hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh, cơ thể của bạn sẽ khỏe mạnh, phòng ngừa được bệnh tật và nâng cao tuổi thọ.
Liên hệ với chúng tôi ngay để thiết kế men vi sinh cá nhân dành riêng cho sức khỏe, thể trạng của bạn: 0937 53 45 45
Mối liên quan giữa hệ vi sinh vật đường ruột trong bệnh AD
Cho đến nay, cơ chế bệnh sinh chính xác của AD vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự liên quan của hệ vi sinh vật đường ruột trong bệnh lý thần kinh của AD. Hệ vi sinh vật đường ruột tương tác với cơ chế bệnh sinh của AD thông qua một số con đường: viêm thần kinh, bất thường Aβ, phosphoryl hóa, rối loạn điều hòa dẫn truyền thần kinh và stress oxy hóa. Những con đường này bị rối loạn điều hòa sau sự xáo trộn trong thành phần hệ vi sinh vật, thúc đẩy quá trình viêm thần kinh, mất tế bào thần kinh và cuối cùng là AD [4]. Một số nghiên cứu thực nghiệm đã báo cáo về sự tương tác giữa hệ vi sinh vật đường ruột với sự biểu hiện của các tế bào miễn dịch trung tâm. Những thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột có thể kích hoạt các cytokine tiền viêm và tăng tính thấm của ruột, dẫn đến sự di chuyển của Aβ từ ruột đến não [5]. Trên thực tế, vi khuẩn đường ruột đã được phát hiện có khả năng tạo ra chất dẫn truyền thần kinh và đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh trục ruột-não. Não của bệnh nhân AD cho thấy sự gia tăng quá trình oxy hóa trong quá trình bệnh. Hệ vi sinh vật đường ruột có thể ảnh hưởng đến mức độ oxy hóa trong AD, bằng cách can thiệp vào mức độ của các loại oxy phản ứng (ROS) hoặc hệ thống chống oxy hóa. Lactobacilli và Bifidobacteria trong ruột có thể chuyển đổi nitrat và nitrit thành oxit nitric (NO), chất này trở nên độc hại trong điều kiện căng thẳng oxy hóa [6].
Cơ chế hoạt động của men vi sinh trong bệnh AD
Probiotic có nhiều cơ chế hoạt động khác nhau, mặc dù cách thức chính xác mà chúng phát huy tác dụng vẫn chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn. Các chế phẩm sinh học ảnh hưởng đến chức năng của não thông qua ba chức năng chính: điều hòa miễn dịch, con đường nội tiết và điều hòa tế bào thần kinh. Các axit béo chuỗi ngắn (SCFA), các chất chuyển hóa chính được tạo ra bởi quá trình lên men của hệ vi sinh vật đường ruột, ức chế các chất trung gian gây viêm trong khi điều chỉnh tăng các chất trung gian chống viêm. Hơn nữa, SCFA có thể điều chỉnh mức độ dẫn truyền thần kinh và các yếu tố dinh dưỡng thần kinh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hệ vi sinh vật đường ruột có thể tạo ra tiền chất dẫn truyền thần kinh hoặc xúc tác cho quá trình tổng hợp và giải phóng một số chất dẫn truyền thần kinh thông qua chuyển hóa trong chế độ ăn uống hoặc cả hai [7].
Thông qua con đường nội tiết, men vi sinh kích hoạt trục hạ đồi-tuyến yên-thượng thận, kích thích tuyến thượng thận giải phóng cortisol, đây là hormone chống viêm mạnh nhất. Probiotics cũng kích thích sản xuất hormone glucagon-like-peptide-1 và peptide YY (chất chuyển hóa thần kinh) bởi các tế bào nội tiết ruột. Hơn nữa, chế phẩm sinh học tiết ra một số chất dẫn truyền thần kinh như glutamate hoặc điều chỉnh sự bài tiết chất dẫn truyền thần kinh thông qua các tế bào enterochromaffin như serotonin. Các chất dẫn truyền thần kinh và các chất chuyển hóa thần kinh này có tác dụng bảo vệ thần kinh đồng thời, ngăn ngừa quá trình chết theo chương trình của tế bào thần kinh.
Một số thử nghiệm lâm sàng sử dụng probiotics trong điều trị bệnh AD
Kết quả có lợi của chế phẩm sinh học đã được khám phá rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, việc nghiên cứu trên lâm sàng có sử dụng probiotics trên bệnh nhân mắc AD vẫn còn hạn chế. Cho đến nay, có một thử nghiệm lâm sàng đã được thực hiện trên bệnh nhân AD. Ví dụ, nghiên cứu được thực hiện bởi Akbari và cộng sự (2016) chứng minh rằng bổ sung men vi sinh giúp tăng cường chức năng nhận thức và chức năng trao đổi chất ở các đối tượng AD [8]. Kết quả thu được cho thấy có sự gia tăng khả năng dung nạp insulin, đồng thời kiểm soát được tình trạng chuyển hóa sau tuần thứ 12 so với nhóm đối chứng. Tương tự như vậy, Agahi và cộng sự (2018) nghiên cứu trên 25 bệnh nhân AD được cung cấp men vi sinh hàng ngày trong 12 tuần [9]. Vào tuần thứ 12, các nhà nghiên cứu nhận thấy có hiệu quả cải thiện tốt trên bệnh nhân AD.
Cả hai kết quả thu được từ nghiên cứu đều chỉ ra rằng men vi sinh rất nhạy cảm với việc làm chậm quá trình tiến triển của AD và có ảnh hưởng tích cực đến nhận thức. Điều này là có thể bởi vì cả hai loài Lactobacillus và Bifidobacterium đều có khả năng tạo ra chất dẫn truyền thần kinh, chất chống oxy hóa, và chất điều hòa thần kinh như acetylcholine, GABA, norepinephrine, serotonin và dopamine, trong đó tín hiệu GABA được liên kết với sự cải thiện nhận thức.
Probiotics như một mục tiêu điều trị trong bệnh AD
Dựa trên các thử nghiệm lâm sàng và trên động vật, kết quả cho thấy việc tiêu thụ men vi sinh có ảnh hưởng tích cực đến AD, nghiên cứu được thực hiện dựa trên Bifidobacterium và Lactobacillus cho thấy cải thiện trí nhớ và rối loạn chức năng nhận thức. Lượng lợi khuẩn tiêu thụ ở người trong 4 tuần rõ ràng là đủ để tạo ra những tác động đáng kể. Các chế phẩm AD được sử dụng rộng rãi nhất là Bifidobacteria infantis, Bifidobacteria longum, Lactobacilli acidophilus, Lactobacilli plantarum và Lactobacilli casei, dưới dạng các chế phẩm đơn hoặc đa chủng. Tất cả các chế phẩm sinh học này được biết đến là vi khuẩn “tốt”, có khả năng ngăn chặn việc sản xuất vi khuẩn có hại và tăng cường hệ thống miễn dịch. Probiotics được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phân loại là an toàn. Tuy nhiên, trong một số điều kiện nhất định, không nên dùng men vi sinh cho bệnh nhân AD, đặc biệt là những người đang điều trị ức chế miễn dịch như hóa trị hoặc một số trường hợp nhiễm trùng huyết, nhiễm nấm huyết [10].
Triển vọng tương lai khi sử dụng probiotics trong điều trị bệnh AD
Vai trò của men vi sinh trong việc làm giảm sự tiến triển của AD thông qua các chế phẩm sinh học, chúng đáng được đưa vào lĩnh vực trị liệu để điều trị AD. Những chế phẩm men vi sinh không có tác dụng phụ nào được báo cáo đối với việc sử dụng cho AD. Vì vậy, trong tương lai, nhiều thử nghiệm lâm sàng phải được tiến hành để phát hiện những thay đổi cụ thể của AD trong hệ vi sinh vật đường ruột có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc mới về lợi khuẩn như một mục tiêu điều trị lý tưởng. Ngoài ra, các nghiên cứu quy mô lớn liên quan đến sự đa dạng của vi sinh vật với tình trạng nhận thức và sự tiến triển của bệnh ở bệnh nhân AD có thể mang lại kết quả tiên lượng có giá trị. Một cách tiếp cận liên ngành để điều tra sự tương tác giữa vật chủ và hệ vi sinh vật có khả năng dẫn đến một bước tiến chiến lược trong điều trị và phòng ngừa AD trong tương lai.
Tài liệu tham khảo.
- Prince, Martin James, Adelina Comas-Herrera, Martin Knapp, Maelenn Mari Guerchet, and Maria Karagiannidou. “World Alzheimer Report 2016-Improving healthcare for people living with dementia: Coverage, quality and costs now and in the future.” (2016).
- Larroya-García, Ana, Diana Navas-Carrillo, and Esteban Orenes-Piñero. “Impact of gut microbiota on neurological diseases: Diet composition and novel treatments.” Critical reviews in food science and nutrition 59, no. 19 (2019): 3102-3116.
- Wong, Chyn Boon, Yodai Kobayashi, and J. Z. Xiao. “Probiotics for preventing cognitive impairment in Alzheimer’s disease.” Gut microbiota-brain axis (2018): 85-104.
- Rutsch, Andrina, Johan B. Kantsjö, and Francesca Ronchi. “The gut-brain axis: how microbiota and host inflammasome influence brain physiology and pathology.” Frontiers in immunology 11 (2020): 604179.
- Pistollato, Francesca, Sandra Sumalla Cano, Iñaki Elio, Manuel Masias Vergara, Francesca Giampieri, and Maurizio Battino. “Role of gut microbiota and nutrients in amyloid formation and pathogenesis of Alzheimer disease.” Nutrition reviews 74, no. 10 (2016): 624-634.
- Manoharan, Shanmugam, Gilles J. Guillemin, Rajagopal Selladurai Abiramasundari, Musthafa Mohamed Essa, Mohammed Akbar, and Mohammed D. Akbar. “The role of reactive oxygen species in the pathogenesis of Alzheimer’s disease, Parkinson’s disease, and Huntington’s disease: a mini review.” Oxidative medicine and cellular longevity 2016 (2016).
- Chen, Yijing, Jinying Xu, and Yu Chen. “Regulation of neurotransmitters by the gut microbiota and effects on cognition in neurological disorders.” Nutrients 13, no. 6 (2021): 2099.
- Akbari, Elmira, Zatollah Asemi, Reza Daneshvar Kakhaki, Fereshteh Bahmani, Ebrahim Kouchaki, Omid Reza Tamtaji, Gholam Ali Hamidi, and Mahmoud Salami. “Effect of probiotic supplementation on cognitive function and metabolic status in Alzheimer’s disease: a randomized, double-blind and controlled trial.” Frontiers in aging neuroscience 8 (2016): 256.
- Agahi, Azadeh, Gholam Ali Hamidi, Reza Daneshvar, Mostafa Hamdieh, Masoud Soheili, Azam Alinaghipour, Seyyed Mohammad Esmaeili Taba, and Mahmoud Salami. “Does severity of Alzheimer’s disease contribute to its responsiveness to modifying gut microbiota? A double blind clinical trial.” Frontiers in Neurology 9 (2018): 662.
- Dudek-Wicher, Ruth, Adam Junka, Justyna Paleczny, and Marzenna Bartoszewicz. “Clinical trials of probiotic strains in selected disease entities.” International Journal of Microbiology 2020 (2020).